LỊCH SỬ MÔN BÓNG TRÒN VNCH 1954 - 1975

DANH THỦ BÓNG ĐÁ VNCH 
THÀNH TÍCH & KỶ NIỆM

Theo từ điển mở Wikipedia trên mạng internet : Bóng đá, môn thể thao vua được nhiều người yêu thích, đã theo chân người Pháp du nhập vào Việt Nam vào khoảng năm 1896. Đầu tiên, môn bóng đá phát triển tại Nam Kỳ, sau đó lan ra Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Đó là những dấu ấn đầu tiên của lịch sử bóng đá Việt Nam.


Đội tuyển bóng đá VNCH từng làm mưa làm gió trên các 
sân cỏ châu Á thập niên 1960 Nguồn: www.kekhopk.com


Nếu con số trên là chính xác thì bóng đá Việt Nam cũng đã có cả trên 100 năm hình thành và phát triển. Trên thực tế qua từng giai đọan khác nhau bóng đá từng để lại dấu ấn trên nhiều đấu trường quốc tế. Có thể kể ra như tại miền Nam Việt Nam, vào thập niên 1950, đội bóng của Việt Nam Cộng hòa đã từng lần đầu vô địch SEA Games 1959, hay vô địch Cúp Merdeka năm 1966. Thập kỷ 1960 bóng đá Việt Nam cũng đã từng nằm trong 4 cường quốc bóng tròn châu Á.

Ngoài ra, có những sự kiện mà giờ đây ít người được biết như sự ra đời của bóng đá nữ Việt Nam. Đó là vào khoảng năm 1932, ở Cần Thơ xuất hiện đội bóng đá nữ đầu tiên là đội Cái Vồn do ông bầu Sửu (tức Trần Khắc Sửu) thành lập, vài năm sau, có thêm đội Bà Trưng ở Rạch Giá – Long Xuyên. Năm 1933, đội nữ Cái Vồn khi đó không có đối thủ cùng giới đã phải thi đấu với đội nam Paul Bert tại sân Mayer và hòa 2-2.

Tại miền Bắc, bóng đã cũng đã xuất hiện khá sớm ngay từ đầu thế kỷ 20 với những cái nôi là Hải Phòng, Nam Định, Hà Nội và cũng đã sản sinh ra không ít các đội bóng từng đem chuông đi đánh nước người, để lại tiếng vang một thời. Cho đến trước năm 1975 thì nhiều thế hệ cầu thủ bóng đá ở cả ba miền Bắc-Trung- Nam đều đã không ít lần giành thành tích cao trên các đấu trường quốc tế trong khu vực.

Giờ đây, đã bước sang 10 năm chuyên nghiệp, nhưng dường như bóng đá Việt Nam vẫn còn đang vất vả để thể hiện mình trong đấu trường khu vực Đông Nam Á. Soi lại lịch sử để hướng tới tương lai lúc này có lẽ là cần thiết đối với sự phát triển bóng đá Việt Nam.

Với mong muốn phác họa lại lịch sử của bóng đá Việt Nam trong quá trình phát triển cả trăm năm qua, gần đây một số nhà quản lý bóng đá và các nhà văn nhà báo có tâm huyết với sự nghiệp bóng đá ở Việt Nam đã đưa ra dự án biên sọan cuốn sách « Những cột mốc lịch sử của bóng đá Việt Nam ».

Các thành viên ban biên sọan sách đang khẩn trương tập hợp tư liệu để sách ra đời vào cuối năm nay. Đây sẽ là cuốn lịch sử bóng đá ở Việt Nam đầu tiên. Tạp chí thể thao chủ nhật hôm nay đã phỏng vấn nhà báo Hồ Nguyễn, thành viên biên soạn cuốn « Những cột mốc lịch sử của bóng đá Việt Nam»

Source: RFI

LỊCH SỬ BÓNG ĐÁ VNCH 1954 - 1975

LỊCH SỬ 100 NĂM BÓNG TRÒN VIỆT NAM
Mường Giang

Dân tộc VN xưa nay vốn có truyền thống thượng võ, nên rất coi trọng việc rèn luyện cơ thể hằng ngày như là phương tiện để mà phát triển quân sự. Đá cầu là một trong những môn chơi rất được mọi tầng lớp xã hội các thời Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn ưa thích và được coi đây là xuất xứ của môn bóng tròn VN, chính thức thành hình hơn 100 năm qua.

Theo tài liệu, thì đội túc cầu đầu tiên của nước ta ra đời vào năm 1906 tại Gia Định. Hai mươi năm chiến tranh (1955 – 1975) với bao nhiêu nỗi buồn bom đạn nhưng cũng là thời kỳ huy hoàng nhất của nền túc cầu Nam VN, chẳng những trong khu vực Đông Nam Á, mà tiếng thơm còn bay bổng tận làng bóng quốc tế, với những tên tuổi Phạm Văn Rạng, Phạm văn Mỹ, Đỗ Thới Vinh, Phạm Huỳnh Tam Lang, Lâm Hồng Châu.

Ở Miền Bắc xã nghĩa, từ năm 1964 các giải bóng tròn thường diễn ra trên các sân vận động Hải Dương, Thái Bình, Bắc Giang mà không tổ chức tại Hà Nội, vì sợ máy bay Mỹ oanh tạc. Năm 1965, đội tuyển Bắc Việt, tham dự Giải Túc Cầu hữu nghị, được tổ chức tại sân vận động Bình Nhưỡng (Bắc Hàn) gồm các đội banh Trung Cộng, Nam Dương, Kampuchia, Guinee, Bắc Cao. Đội Bắc Việt đứng hạng ba. Năm 1966, Liên Xô đá giao hữu và thua Bắc Việt 1- 0. Cũng năm 1966, trong giải Ganefo tổ chức tại Nam Vang, gồm 10 nước tham gia, đội Bắc Việt lãnh huy chương đồng. Nói chung, trước năm 1975, Bắc Việt cũng có một đội bóng tròn, gồm Nguyễn Văn Vĩnh (thủ môn) và các cầu thủ Hiếu, Thêm, Hiền, Hiển, Long, Vinh, Thọ, Ngọc, Phàn, Chinh tuy nói là tham dự nhiều nơi nhưng chẳng đem về cho quê mẹ một chiến thắng nào đáng kể, vì lúc đó Đảng tại Bắc Bộ Phủ, chỉ trăm phương ngàn kế, để mà làm sao cưỡng chiếm cho được Miền Nam, nên đâu còn sức lo cho thể thao, bóng tròn những món hàng được coi là xa xỉ, vô ích trong thế giới các nước xã hội chủ nghĩa.

ĐỘI TUYỂN BÓNG TRÒN MIỀN NAM VIỆT NAM

Năm 1959, lần đầu tiên đội tuyển bóng tròn VNCH đã đoạt được huy chương vàng, tại Đông Nam Á Vận Hội (không có sự tham dự của Nam Dương và Phi Luật Tân). Kỳ đó, phái đoàn thể thao Nam VN tham dự rất nhiều môn thi đấu như Boxing, bơi lội, bóng bàn, bóng chuyền, bóng rổ, xe đạp, điền kinh và bóng tròn. được tổ chức tại Thái Lan. Về đội tuyển VNCH có Phạm Văn Rạng (thủ môn), Nguyễn Văn Cụt, Phạm Văn Hiếu, Nguyễn Ngọc Thanh, Lê Văn Hổ (Myo), Nguyễn Văn Nhung, Đỗ Thới Vinh, Há, Đổ Quang Thách, Nguyễn Văn Tư. Đội tuyển VN vào chung kết hạ đội Thái Lan 3-1 và được chính tay Hoàng Thái Tử Xiêm trao chiếc cúp vàng, tại sân vận động.

Trước đó ở miền Nam, có trung phong đội AJS (Association de la Jeunesse sporttive), tức là Đội Cảnh Sát Quốc Gia sau này, cầu thủ Phạm Văn Mỹ, nổi danh trong làng bóng Đông Nam Á là ‘Cọp Đồng Nai’ qua kỹ thuật chơi bóng, cú sút trời giáng, tốc độ nước rút phi thường. Bên cạnh còn có Phạm Văn Rạng, từng được tạp chí thể thao hàng đầu của Pháp là tờ ‘France Football’ vinh danh là thủ môn số 1 của nền bóng tròn Châu Á, khi đội tuyển VNCH đã thắng đội banh Do Thái 2-0, trong khuôn khổ vòng loại, để được tham dự Thế Vận Hội năm 1964. Trận đấu diễn ra trên sân vận động Cộng Hòa, do công của Ngôn và Quang. Nhờ những thành tích trên, nên đội tuyển túc cầu VNCH đã có 4 cầu thủ là Phạm Văn Rạng, Nguyễn Ngọc Thanh, Đổ Thới Vinh, và Nguyễn văn Ngôn, được vào đội tuyển Châu Á, do Thiết túc cầu đại vường Hương Cảng là Lý Huệ Đường làm huấn luyện viên và Peter Velappan phụ tá.

Năm 1966, đội tuyển VNCH lại lập thêm kỳ tích khi đoạt cúp vàng Merdeka, tổ chức tại Mã Lai Á. Tham dự lúc đó gồm có Lâm Hồng Châu (thủ môn), Lại văn Ngôn, Phạm Văn Lắm, Văn Có, Phạm Huỳnh Tam Lang, Nguyễn Văn Chiêu, Nguyễn Vinh Quang, Nguyễn Văn Ngôn, Dương văn Thà, Đổ Thới Vinh, Nguyễn Văn Mộng, Trên sân cỏ, đội banh VN đã liên tiếp hạ Tân Gia Ba (5-0), Nhật (3-0), Mã Lai Á (5-2), Đài Loan (6-1) và thua Ấn Độ (0-1). Cuối cùng VN vào chung kết với Miến Điện. Trong trận này, đối phương tấn công VN tới tắp và ba lần banh vào khung thành của thủ môn Lâm Hồng Châu nhưng đều bị gạt ra ngoài, nhờ tài nghệ phi thường của cặp trung phong Văn Có – Tam Lang và thủ môn Châu. Đến phút 68, Tam Lang cướp được banh dẫn thẳng vào tuyến địch và sút vào cầu môn Miến, đem về chiếc cúp vàng vô địch cho quê hương.

Tại Đông Nam Á Vận Hội kỳ IV năm 1967, đội bóng tròn VNCH lại đoạt huy chương bạc, khi thắng Lào 5-0, Thái Lan 5-0 và thua Miến Điện 1-2 khi vào chung kết. Trong trận đó, hội tuyển VN có Lâm Hồng Châu (thủ môn), Hồ Thanh Chinh, Lại Văn Ngôn, Nguyễn Văn Mộng, Phạm Huỳnh Tam Lang, Nguyễn Vinh Quang, Dương Văn Thà, Nguyễn Thái Hưng, Đỗ Thới Vinh, Võ Bá Hùng, Lê Văn Đức, Nguyễn Văn Thuận, Hồ Thanh Cang, Quang Kim Phụng, Nguyễn Văn Chiêu, Cù Sinh, Nguyễn Văn Ngôn, Trương Văn Tư. Năm 1973, tại Đông Nam Á Vận Hội ở Tân Gia Ba, đội tuyển VN lại dành Huy chương bạc, sau khi vào chung kết lại thua Miến Điện, khi trận đấu chỉ còn 8 phút thì kết thúc với tỷ số 3-2.

Trong nỗi thăng trầm của túc cầu VNCH từ 1955-1975, chỉ có một điều đáng tiếc được báo chí thời đó ghi nhận,là sự xung đột giữa trung phong Ứng đội CSQG và tiền vệ Tống Mành của đội Tổng Tham mưu. khi tranh dành chức vô địch trên sân cỏ, Mành chẹn gãy chân Ứng. Tuy nhiên đó chỉ là chuyện rất thường trên sân cỏ. Điều quan trọng nhất là hầu như tất cả các cầu thủ của VNCH, hiện còn sống tại Sài Gòn, khi được báo chí thành Hồ phỏng vấn, đều tỏ ra xúc động và luyến tiếc thời vàng son của nền bóng tròn Miền Nam, giờ đây gần như tuyệt vọng, trước tệ nạn tham nhũng và cá độ của cái gọi là đội tuyển quốc gia, khi mang chân tới đá tại các sân cỏ xứ người, mà tỷ số thắng thua đã được định trước bằng tiền thưởng.

Dương Văn Thà, một cầu thủ lừng danh là ‘thần mã’, của đội tuyển Miền Nam từ 1967-1974, cho biết trước năm 1975 là thời kỳ cực thịnh của bóng tròn VN, qua nghệ thuật nhồi bóng cùng với tinh thần kỹ luật, tự giác và sự luyện tập. Còn Lê văn Tâm (cha Lê Huỳnh Đức, trung phong số 1 của VN ngày nay), nhắc lại trận đấu giữa VN và Nam Hàn, trong giải King’s cup ở Thái Lan năm 1970, VN thắng nước này 1-0, qua cú sút phạt của Võ Thành Sơn và Lê văn Tâm đội đầu.

Thế mà ngày nay, đội bóng của VN càng ngày càng sa sút, trong khi đó Nam Hàn, chẳng những lừng lẫy tại Á Châu mà còn được chen chân vào các kỳ Thế Vận Hội,điển hình là kỳ World Cup 2006 tại Đức sắp tới. Riêng Đổ Càu cho biết, cầu thủ VNCH khi dự các cuộc tranh giải ở các quốc gia bạn, đều được đồng bào địa phương, thương mến, trân trọng vì bản chất của cầu thủ VN hiền lành, đứng đắn, biết tôn trọng kỷ luật trên sân cỏ, cũng như đã giao đấu rất dũng mãnh, nhiệt tình, để dành vinh quang danh dự về cho màu cờ, sắc áo của dân tộc. Sau năm 1975, các cựu cầu thủ miền Nam như Phạm Huỳnh Tam Lang, Quảng Trọng Hùng, Cao Cường, Dương Văn Thà làm huấn luyện viên thể thao, Nguyễn Kim Hằng bán cà phê, Tư Lê lái taxi, Nguyễn văn Mộng, Đinh Công Hoàng thì ẩn dật.

Viết chuyện người khiến hồn thêm bồi hồi khi nghĩ tới quê hương và những ngày xa cũ, nhất là Phan Thiết quê tôi, vùng đất đam mê đá banh như là món ăn tinh thần không sao thiếu được. Trước khi Việt Cộng cưỡng chiếm được VNCH ngày 30-4-1975, Bình Thuận là một trong những tỉnh có phong trào thể thao rất mạnh, mà tiêu biểu là môn túc cầu. Từ năm 1962-1968, hàng năm Bình Thuận đều tham gia giải Liên quân khu, gồm 11 đội bóng của các tỉnh Quảng Ngãi, Pleiku, Kontum, Darlac, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Tuyên Đức và hầu như chức vô địch trong những lần tổ chức ấy, khó có đội nào hơn được Bình Thuận.


Năm 1971, tại giải vô địch toàn miền Nam, với sự tham dự của 43 đội từ các tỉnh thị và 4 quân khu, đội bóng Bình Thuận, đã đoạt chức vô địch bóng tròn toàn quốc, sau khi hạ đội Mỹ Tho với tỷ số 2-1 tại sân vận động Cộng Hòa. Ngoài ra đội Bình Thuận còn đá giao hữu với các đội chuyên nghiệp lúc đó tại Sài Gòn như Quan Thuế, Không Quân, Hải Quân và Cảng. Các cầu thủ Tam Lang, Dương văn Thà, Nguyễn văn Ngôn, Võ Thành Sơn, Cù Sinh, Phạm văn Rạng măc dù chơi hay, nổi tiếng và chuyên nghiệp nhưng khi đụng với Phan Thiết, cũng rất e dè và thán phục.

Đó cũng là do công dìu dắt của ông bầu Tăng Khánh (nhà sách Vui Vui), và các ông Quản Đầu, Ba Hoàng (nước mắm Vĩnh Hương), Khánh Cao. Nhưng đặc biệt nhất phải kể tới công của ông Bầu Ba Toại, đã chiêu dụ được nhiều cầu thủ danh tiếng ở tỉnh ngoài về đá cho Phan Thiết như Đổ Thới Vinh, từng đá cho các đội Quân Cụ, Quan Thuế, Tổng Tham Mưu tại Sài Gòn. Với chiếc đầu hói, sống mũi dọc dừa, đôi mắt sâu sâu và nước da ngâm đen, đã tạo cho đồng đội nhiều cơ may dứt điểm khung thành địch. Vinh đang ở trong đội tuyển Miền Nam, thì được chọn vào đội tuyển Quốc Gia tham dự giải Đông Nam Á Vận Hội.

Cầu thủ Trần Ta, em ruột cầu thủ Trần Néo, sinh tại Phú Trinh, Phan Thiết, năm 18 tuổi là cầu thủ của đội trường trung học Phan Bội Châu, giúp đội đá bại trường trung học Võ Tánh, Nha Trang, đoạt chức vô địch bóng tròn cấp tỉnh miền Trung. Sau Trần Ta về đầu quân cho đội Thương Khẩu của Bầu Quyền. Rồi được tuyển chọn vào Đội túc cầu Thanh Thiếu Niên Miền Nam, tham dự nhiều nước Đông Nam Á như Phi, Mã và Nam Dương. Từ năm 1961 trở về sau, tài năng của cầu thủ Trần Ta người Phan Thiết đang lên vùn vụt, thì đột nhiên anh bị tử nạn năm 1966, trên đường từ Sài Gòn đi Đà Lạt. Người ta đã tìm thấy xác Ta và chiếc xe gắn máy hiệu Sprint dưới lũng sâu của đèo Blao, quốc lộ 20.

Tuy nhiên cũng có nguồn tin nói là Trần Ta bị Việt Cộng chận đường giết, rồi xô xuống đèo làm như là một tai nạn giao thông, câu chuyện xì xào một thời gian rất lâu trong giới mộ điệu thể thao tại Phan Thiết. Hai anh em Trần Mai và Trần Đáng cũng được Bầu Toại chiêu mộ từ Huế vào, đá cho đội banh Phan Thiết. Nhiều năm liền, cả hai rất được hâm mộ, vì đều là trụ cột làm bàn, sát bóng manh, lừa giỏi, đưa đội bóng Bình Thuận đoạt được nhiều giải tại miền Trung và toàn quốc. Sau năm 1957, hai anh vì lý do gia cảnh, nên trở về Huế và gia nhập đội tuyển miền Trung từ giai đoạn 1961-1963.

Tóm lại, ngoài các cầu thủ trên, thành phần đội túc cầu Bình Thuận-Phan Thiết gồm có: Thủ môn Đại, Du (thập niên 50,60). Hậu vệ Xây, Bụt (sau bị hư một mắt), Lâu (được mệnh danh là trụ đồng), Ngọ (búa). Hàng tiền vệ có Thơm, Néo (anh ruột Trần Ta), Phối, Nhiều, Minh. Tiền đạo Mỉn (chết trong tù cải tạo VC năm 1975), Phê, Tùng (năm 1970 được tuyển vào Đội Thanh Thiếu Niên Miền Nam, tham dự các giải Đông Nam Á), Quang. Hàng Trung phong có Hoan dù chỉ thuận chân mặt nhưng là một trong những kiện tướng làm bàn hàng đầu của Đội.

Phan Thiết còn có Huyền Vũ, là một ký giả thể thao nổi tiếng, qua những bài tường thuật cũng như bình luận, các trận cầu quốc tế tại sân cỏ, trên làn sóng phát thanh Sài Gòn, được phóng đi cùng khắp. Do trên nhiều người không có thì giờ vì bận rộn sinh kế, công vụ, chỉ cần mở máy thu thanh cũng đủ cảm thấy như mình đang tham dự trận đá một cách thích thú. Giọng tường thuật của ông rất truyền cảm, thu hút được nhiều người nghe cũng như ái mộ.

Ông cũng là ký giả của nhiều tờ báo, viết nhiều bài tường thuật rất có giá trị. Theo Đinh văn Ngọc, vì ông với bản tính ăn ngay nói thật của người Phan Thiết, thấy sao nói vậy, không bưng bợ hay phe cánh cá nhân, do trên bị va chạm nhiều người, nhất là giới thể thao và đồng nghiệp. Tên thật là Nguyễn Ngọc Nhung, sinh tại Phú Trinh Phan Thiết, chủ bút tạp chí thể thao hàng tuần và báo Nguồn Sống trước năm 1975. Ngoài ra cũng kể thêm một ký giả thể thao khác của Bình Thuận là Thanh Điều kiêm Trọng tài các trận túc cầu giao hữu trên sân cỏ Phan Thiết Huyền Vũ vừa qua đời tại Hoa Kỳ.

Trước năm 1975, những ông bầu túc cầu nổi tiếng của Phan Thiết như Tăng Khánh, Ba Hoàng, Khánh Cao, Ba Toại là những nhà Mạnh Thường Quấn, rất quan tâm tới đội tuyển của tỉnh nhà. Tiệm cà phê Phú Ngữ là nơi thường trực tập trung các cầu thủ cũng như giới hâm mộ, mỗi buổi sáng, để bàn chuyện thể thao. Trong những khi có trận đấu, trước khi đội ra sân, các cầu thủ tập trung tại Phú Ngữ, vừa uống cà phê, vừa lắng nghe Huấn Luyện Viên Nguyễn Văn Quới, người Hóc Môn, Gia Định, đã từng đá cho các đội AJS, Cảnh Sát Quốc Gia và Đội tuyển Miền Nam. Ông Quới được Đại Tá Ngô Tấn Nghĩa, chọn về làm huấn luyện viên trưởng cho đội tuyển bóng tròn Phan Thiết, nhờ vậy mới đạt được nhiều thành quả tốt đẹp.

Vậy mà cũng bốn chục năm rồi đó, nhưng không làm sao quên được, những tháng sáu mùa hè, ngồi trong lớp học hay đi dọc theo con đường Nguyễn Hoàng, bất chợt nhìn thấy hoa phượng chúm chím nở hoa, là lòng lại bồi hồi xúc động và vui tới rớm lệ khi giờ cuối cùng đã hết, học trò lớn nhỏ, ai cũng nhắp nhỏm chờ lên tàu, để trở về quê củ, có thầy me đợi em trông, trên đường làng huyết lệ nở thành bông và vườn rộng nhiều trái cây ngon ngọt, như Xuân Tâm đã viết, mà bọn học trò nhỏ ngày xưa ai cũng thuộc.

‘Kiểm soát kỹ có khi còn thiếu sót
Rương chật rồi khó nhốt cả niềm riêng’

Nhưng làm sao quên được những niềm vui ấu thơ, những ngày theo bạn bè đá banh hay leo tường vào sân vận động, để mà xem chui những trận giao đấu banh, giữa các đội học sinh Trung Học Phan Bội Châu với đội tuyển Phan Thiết và các đội banh danh tiếng tại Sài Gòn.

Nhật Trường Trần Thiện Thanh trước khi trở thành ca nhạc sĩ nổi tiếng của VN, từng là thủ môn của đội bóng tròn Trung Học Phan Bội Châu-Phan Thiết.

Mường Giang

GIÁNG NGỌC VỚI DANH THỦ BÓNG ĐÁ VNCH: CÙ SINH

CHÂN DUNG TUYỂN THỦ VNCH MỘT THỜI VANG BÓNG: ĐỖ THỚI VINH

Trong số những huyền thoại bóng tròn Việt Nam, trong thời gian từ thập niên 1950, 1960 cho đến 1975, những dân ghiền bóng tròn, hàng tuần vẫn mê mẩn trước các cầu thủ các đội bóng “lả lướt” trên sân vận động Cộng Hòa mấy ai không biết và không nhớ đến tiền vệ đội tuyển Việt Nam đoạt giải Merdeka 1966 và huy chương vàng Ðông Nam Á Vận Hội 1959: Ðó là tiền vệ Ðỗ Thới Vinh tức Vinh “đầu sói”.


Tiền vệ Ðỗ Thới Vinh, trái cùng một đồng đội. (Hình: Tư liệu)

Cho đến bây giờ, sáng sáng ngồi uống cà phê ở khu Little Saigon thỉnh thoảng lại nghe những ông, những cụ lứa tuổi 60 trở lên trong những câu chuyện phiếm liên quan đến đá banh ở Việt Nam trước 1975 thường nhắc đến thủ môn Phạm Văn Rạng, trung vệ Phạm Huỳnh Tam Lang và dĩ nhiên không thể nào quên Vinh “đầu sói”.

Nhưng ngày xưa, không giống như thời đại Internet bây giờ, dù leo lên đến đỉnh vinh quang ở trong nước lẫn cả khu vực Châu Á, các cựu tuyển thủ Việt Nam khi về hưu mấy ai có cuộc sống phong lưu sung túc như một số cầu thủ hiện tại, thường sống cuộc đời nghèo khổ, đạm bạc và chìm nhanh vào quên lãng của mọi người hiếm khi được vinh danh cũng như ghi lại tiểu sử vàng son của họ.

Ðỗ Thới Vinh nằm trong số này. Lục lội trên các mạng lưới vẫn không tìm đâu ra được bài viết chi tiết cũng như tiểu sử của tiền vệ lừng danh của Việt Nam Cộng Hòa một thời vang bóng này. Chỉ có một vài bài viết ghi lại những trận đấu, những khoảnh khác chói sáng của Vinh “đầu sói” cũng như những ngày cuối đời lạnh lẽo cô đơn của ông.

Trước tình trạng này, người viết đã cố gắng liên hệ với những người quen biết hoặc một vài cựu tuyển thủ từng đứng chung màu áo tuyển VNCH với Ðỗ Thới Vinh như anh Shin, một người rất hâm mộ bóng tròn đồng thời là bạn của cựu tuyển thủ Võ Bá Hùng, từng biết nhiều về Vinh đầu sói hoặc thủ môn Lâm Hồng Châu từng có mặt chung với Ðỗ Thới Vinh trong nhiều năm dưới màu áo đội tuyển quốc gia Việt Nam Cộng Hòa, trong đó có trận chung kết để đời đưa tuyển Việt Nam Cộng Hòa đoạt giải Merdeka 1966.

Theo lời kể của anh Shin và cựu thủ môn Lâm Hồng Châu, tiền vệ Ðỗ Thới Vinh sinh khoảng năm 1940 quê ở Phan Thiết. Vào tuổi trưởng thành, Ðỗ Thới Vinh vào Sài Gòn đầu tiên ra sân dưới màu áo đội Quân Cụ trong thời gian hai năm hoặc ba năm.

Sau đó, với sự phát triển tài nghệ không ngừng, Ðỗ Thới Vinh giã từ Quân Cụ để đầu quân cho đội Quan Thuế suốt thời gian từ năm năm đến sáu năm.

Sau năm 1966, với chiếc cúp vô địch Merdeka trở về, Vinh đầu sói bị trưng dụng vào quân đội do đó anh lại gia nhập vào đội Tổng Tham Mưu.

Về sau này, khi được biệt phái, Ðỗ Thới Vinh trở lại thi đấu cho đội Quan Thuế lần thứ hai cho đến khi chính thức giã từ sân cỏ.

Với lối đi banh lắc léo, khó lòng cho các hậu vệ đối phương truy cản, cùng với những đường banh chuyền chính xác, tài nghệ của Ðỗ Thới Vinh đã được những cặp mắt của ban tuyển trạch Tổng Cuộc Túc Cầu Việt Nam Cộng Hòa thời bấy giờ để ý đến.

Theo tư liệu của một số mạng lưới trên Internet cho biết Ðỗ Thới Vinh bắt đầu có mặt trong thành phần đội tuyển Việt Nam Cộng Hòa kể từ năm 1956 cho đến 1969.

Ông là tiền vệ tạo được nhiều kỷ lục nhất:

- 13 năm liên tục là tiền vệ của đội tuyển VNCH với 118 trận đấu quốc tế.

- Một lần được vinh hạnh chọn đá trong thành phần đội tuyển Châu Á.

- 11 lần tham dự giải Merdeka từ 1957 đến 1969.

- 6 lần dự giải Ðông Nam Á Vận Hội (SEAP Games).

- 6 lần có mặt ở giải King's Cup của Thái Lan.

- 2 lần dự Á Vận Hội.

Với thành tích kỷ lục lẫy lừng nói trên, quả thật tiền vệ Ðỗ Thới Vinh tức Vinh đầu sói xứng đáng được xưng tụng là một trong những cầu thủ huyền thoại bóng tròn của Việt Nam Cộng Hòa.

Những dấu ấn mà tiền vệ Ðỗ Thới Vinh tạo ra trên sân cỏ nhiều lắm nhưng đáng kể nhất là SEAP Games 1959 và giải Merdeka 1966.

Trận chung kết đem chiếc huy chương vàng đầu tiên về cho Việt Nam Cộng Hòa của giải bóng tròn SEAP Games 1959 sau khi đá bại đội tuyển Thái Lan 3-1 đã in đậm công lao và tài năng của Vinh “đầu sói”, đặc biệt với cú bay người đánh đầu đưa banh vào lưới thủ môn Thái Lan mà cho đến tận bây giờ những bậc lão thành từng theo dõi giải này không thể nào quên được.


Chính nhà lưỡng thủ vạn năng Phạm Văn Rạng trấn giữ khung thành VNCH lúc bấy giờ, đã kể lại khoảnh khắc đáng nhớ này: “Trong trận chung kết với Thái Lan từ đường banh chuyền thấp của tiền vệ Myo Hồ ở cánh trái, với đường banh bay thấp như thế, tiền vệ Ðỗ Thới Vinh bay người tới với tầm thấp là là mặt đất đánh đầu đưa banh vào lưới.”
Phạm Văn Rạng còn cho biết thêm đây là cú đánh đầu sở trường của Vinh đầu sói mà không ai có thể bắt chước được.

Bảy năm sau đó, ở giải Merdeka 1966, chính Ðỗ Thới Vinh trong trận chung kết giải với Miến Ðiện, vào hiệp hai với lối đi banh lắc léo vượt qua các sự truy cản của các cầu thủ Miến Ðiện rồi bất thần chuyền đường banh chính xác cho trung phong Nguyễn Văn Chiêu tung ngay cú sút thật hiểm, banh bay trúng cột dọc trái dội qua đụng cột dọc phải rồi đi luôn vào lưới khiến thủ môn Miến Ðiện chỉ biết đứng nhìn đem chiếc cúp Vô địch Merdeka về cho Việt Nam.

HLV Weigang (dấu tròn) và đội tuyển miền Nam 
trong những ngày tập huấn trước giải Merdeka 1966

Tiền đạo Nguyễn Văn Chiêu và Vinh “đầu sói” là đôi bạn thân thiết với nhau. Cả hai cùng đá chung đội Quan Thuế rồi đến Tổng Tham Mưu. Sau khi giải ngũ, cả hai lại trở về đội Quan Thuế và cũng cùng có mặt trong đội tuyển quốc gia suốt cả chục năm trời.

Như đã nói trên, trung phong Nguyễn Văn Chiêu và tiền vệ Ðỗ Thới Vinh là hai cầu thủ lập công lớn nhất trong chiến thắng trước Miến Ðiện.

Một dấu ấn khác cũng được nhắc đến với Ðỗ Thới Vinh, với tài năng chói sáng của Vinh, đã khiến cho chính vị thủ tướng cũng như dân chúng Malaysia thời bất giờ rất ngưỡng mộ và chính vị thủ tướng Malaysia vào năm 1968, Abdul Rahman, vừa là Chủ Tịch Liên Ðoàn Bóng Tròn Á Châu thời bấy giờ, đã đích thân viết thư mời Ðỗ Thới Vinh sang Malaysia đá cho đội tuyển Á Châu.

Theo lời kể của anh Shin, một người bạn thân của Võ Bá Hùng, từng đá chung với Ðỗ Thới Vinh cho biết, khi Vinh đầu sói sang Malaysia, đón xe taxi đi, người tài xế biết mặt Vinh, đã hết lời ca ngợi và không chịu lấy tiền xe. Một lần khác đi xe bus tại Malaysia cũng thế, tài xế xe bus cũng nhất định từ chối tiền đưa của Ðỗ Thới Vinh.

Ngoài ra Vinh còn có phong cách thi đấu hòa nhã. Theo lời kể của tiền vệ Nguyễn Ngọc Thanh, qua tư liệu từ một số website cho biết trong trận đấu với đội tuyển Malaysia, khi Vinh bị đối phương truy cản thô bạo khiến ông bị té ngã trên sân. Trong lúc mọi người cứ tưởng Vinh lại ăn thua đủ với cầu thủ chơi xấu này, trái lại Vinh đầu sói chỉ đến cầu thủ này với nụ cười và cái bắt tay mà thôi và khán giả đồng loạt vỗ tay tán thưởng phong cách thi đấu của Vinh đầu sói.

Sau năm 1975 khi thật sự giã từ sân cỏ, cuộc sống của cựu tiền vệ Ðỗ Thới Vinh không được sung túc, thiếu trước hụt sau. Trong khoảng năm 1989-1990 ông phải tìm đến một người anh em quen biết đang trông coi sân Kỵ Mã, Tao Ðàn và sống trên chiếc giường nhỏ trong khu vực sân banh để cho qua ngày tháng. Sáu đó ông mất bên sân cỏ vì bệnh tiểu đường.

Và theo đôi tay gắn keo Phạm Văn Rạng, cũng đã qua đời, hết lời ca ngợi Ðỗ Thới Vinh đúng là một huyền thoại luôn giữ được tiếng tăm từ trong nước ra đến cả Châu Á.

Mới đây, cựu trung phong Võ Thành Sơn, trong chuyến về lại Việt Nam, đã cùng một số cựu tuyển thủ còn lại quê nhà, đã tổ chức một giải tứ hùng gây quỹ, quyên góp tiền bạc để giúp đỡ gia đình của đôi chân một thời vang bóng Ðỗ Thới Vinh. (T.D.)

CUỘC PHỎNG VẤN SAU CÙNG VỚI CỰU DANH THỦ TÚC CẦU VNCH: LẠI VĂN NGÔN (NGÔN II)